Những dấu ấn từ tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê

Đã từ lâu tên tuổi Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984) đã được nhiều người biết đến với tư cách là một nhà văn, một học giả, một nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập khoảng 120 tác phẩm để đời có giá trị thuộc mọi lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử du ký…Ông là một tấm gương sáng về tính kiên nhẫn, tự học, tinh thần làm việc nghiêm túc, đặc biệt là nhân cách vàng của một người tri thức chân chính. Những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê đều để lại những dấu ấn sâu sắc khó phai trong lòng độc giả. 

Dấu ấn những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê

Nguyễn Hiến Lê bút danh là Lộc Đình là người làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thủ đô Hà Nội. Ông quan niệm: “Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi. Văn thơ phải thật tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. 

Quan niệm của Nguyễn Hiến Lê viết về nghề viết văn

Nguyễn Hiến Lê từng tâm sự rằng văn viết hồi còn trẻ của ông hơi mắc bệnh khoa trương. Sau này khi tuổi càng cao, ông càng trân trọng sự bình dị. Những gì từng viết nếu chưa kịp in thì ông giữ lại làm kỉ niệm chứ không cho in lại nữa. Ngoài coi trọng sự bình dị, ông còn coi trọng cá tính của bản thân trong viết văn. Có một lần, nhà biên tập sau khi đọc đoạn văn ký sự của ông đã đảo ngược cân văn lên xuống, cắt tỉa, thêm bớt cho “có nhạc hơn”. Ông khen người ta “sửa khéo” nhưng khi đưa tin bài viết, ông giữ nguyên đoạn văn ông viết vì thấy phải nói thế mới tự nhiên, đúng ý và đúng với cảm xúc của tác giả.

Hầu hết những cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê đều bán chạy, song có những đề tài dù biết rất kén người đọc nhưng vì ông thích thì ông viết. Cuốn “Một niềm tin” là một trong số đó, chỉ in có hơn một nghìn bản mà tới gần chục năm vẫn chưa bán hết.

Khi dịch sách, Nguyễn Hiến Lê thường chọn những cuốn mà bút pháp của tác giả bình dị, tự nhiên giống với bút pháp của ông. Khi  dịch cuốn “Chiến tranh và hòa bình” của Tolstoy, mặc dù nhận thấy bộ sách “rất dài và có nhiều chương lý thuyết về lịch sử đọc chán lắm” nhưng ông vẫn dịch trọn vẹn, không để sót một dòng. Quan điểm của ông về vấn đề này rất rạch ròi: “Tôi nghĩ tác phẩm đó lớn quá, nước mình nên có một bản dịch đầy đủ, rồi sau muốn phổ biến rộng thì sẽ cắt bớt.”

Nhắc tới các sách dịch của Nguyễn Hiến Lê, độc giả thường nhớ nhiều tới hai cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” và “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie. Đây là một tác giả có những quan điểm về xử thế mà Nguyễn Hiến Lê rất tâm đắc, nhưng vẫn có chỗ ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng thuận.

Trong giai đoạn trước đổi mới (1976 – 1986), mặc dù Nguyễn Hiến Lê biết rõ những loại sách triết học của ông đang dịch và viết cũng như nhà sách Nguyễn Hiến Lê sẽ gặp nhiều khó khăn không thể tự xuất bản tác phẩm ít nhất “trong mươi năm tới” nhưng ông “vẫn tiếp tục thực hiện cho chong chương trình đã hoạch định, rồi cứ để đó không bao giờ in được cũng không sao”. Sau ngày đất nước thống nhất, với nhân cách lớn, ông đã kịp để lại hơn 20 tác phẩm nữa. 

Cuốn Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê đã tái bản hơn 9 lần. Cuốn sách ghi lại tinh thần làm việc say mê và tính kỷ luật của ông. Hãng ngày Nguyễn Hiến Lê đều dành thời gian để sắp xếp tài liệu, ghi chép, suy nghĩ trước khi ngồi vào bàn viết. Ông dành thời gian viết vào buổi sáng và buổi chiều, đọc sách báo vào buổi tối. Trung bình mỗi năm ông xuất bản 3 cuốn sách, tổng cộng 900 trang. Trong lời mở đầu của tác phẩm “Đời viết văn của tôi” Nguyễn Hiến Lê viết: “Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời. Tôi VIẾT ĐỂ HỌC và HỌC ĐỂ VIẾT.” Đối với Nguyễn Hiến Lê, ngoài việc miệt mài học để viết và viết không mệt mỏi để học thì độc giả là quan trọng, ông không quan tâm đến uy quyền hay danh vọng. Nhận được rất nhiều giải thưởng, nhiều cơ hội làm giám khảo trong các cuộc thi nhưng ông liên tục từ chối. Ông muốn luôn là một nhà giáo dục, một nhà văn hóa độc lập, thanh cao, tự trọng. Ông từng bộc bạch trong cuốn Hồi ký: “Soạn sách, tôi chỉ nhắm mục đích: tự học và giúp người khác tự học. Tôi nghĩ đến cái lợi của độc giả trước hết, chẳng hề tự cho mình có “sứ mạng” gì cả, mà cũng không hề mong được nổi tiếng (…) Có thích vấn đề nào thì tôi mới viết. Thấy vui trong khi viết, bấy nhiêu đủ cho tôi rồi”.

Nguyễn Hiến Lê từng nói, để viết ra được một cuốn sách, cần phải đọc thật nhiều sách; viết là một cách học tập, học tập để mà viết. Muốn có gì để nói với mọi người thì trước hết mình  phải nạp năng lượng tri thức và tiêu hóa năng lượng. Nhờ thế, những hạt giống được gieo trong sách mới nảy mầm và đam hoa kết trái.

Những dấu ấn từ tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê

Nhiều người đã nhận định rằng, nhờ đọc những cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê mà họ tìm lại được bản thân, đi đúng hướng trong đường đời và giúp ích được nhiều trong cuộc sống. Nguyễn Hoàng Xanh từng nói những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê, đặc biệt là loại sách học làm người là có ảnh hưởng sâu rộng nhất, đặc biệt là giới thanh thiếu niên. Nhờ những cuốn sách này mà biết bao thanh niên lầm đường lạc lối biết quay về đúng hướng, giúp ích cho biết bao thanh niên đỡ bỡ ngỡ, lúng túng khi bước vào đời, nắm vững phương pháp làm việc, học tập và xây dựng được quan điểm về cuộc sống vượt khó trên con đường mưu sinh và lập nghiệp. Đỗ Hồng Ngọc – một độc giả quen thuộc của tác giả Nguyễn Hiến Lê ở những thập niên 60 của thế kỷ trước đã nhận xét rằng: “Ông đã dạy cho thanh niên nghị lực, thì chính ông là một tấm gương nghị lực” 

Nhưng lĩnh vực mà Nguyễn Hiến Lê tâm huyết nhất lại là cổ học Trung Quốc, bao gồm triết học, văn học, sử học, đặc biệt là triết học thời Chiến Quốc. Ông đã cho ra đời hầu hết các tác phẩm viết chuyên biệt về các triết gia thời đó như: Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Liệt Tử, Dương Tử, Tuân Tử và Hàn Phi Tử (hai cuốn viết chung với Giản Chi). Có thể nói ở nước ta khó có người nào viết được nhiều và sâu về cổ học Trung Quốc như Nguyễn Hiến Lê.

Cuốn sách gối đầu giường của Nguyễn Hướng Dương chính là cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống của Nguyễn Hiến Lê. Dù đọc đi đọc lại hàng trăm lần nhưng mỗi lần đọc lại, Nguyễn Hướng Dương đều cảm thấy vô cùng thấm thía những điều tưởng chừng như rất giản đơn: “Đắc nhất nhật quá nhất nhật”, “Đời người ngắn lắm ai ơi!”, “Ta là ai”,… Khi một tai nạn giao thông đã lấy mất 2 đôi chân, chính cuốn sách đã vực Nguyễn Hướng Dương khỏi cuộc sống đang rơi vào bế tắc, tận cùng của khổ đau và tuyệt vọng. Đọc cuốn sách Nguyễn Hướng Dương như được tiếp thêm sức mạnh, vượt lên trên nghịch cảnh: “Cuốn sách như một luồng ánh sáng rọi vào tâm hồn chúng tôi, xua tan những suy nghĩ tiêu cực bi quan mà bấy lâu nay cứ bám theo chúng tôi như hình với bóng”. 

Trần Huyền Ân thì ấn tượng với Nguyễn Hiến Lê bởi những tác phẩm biên khảo với lối văn giản dị nhưng bố cục và lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục giúp tác phẩm trở nên gần gũi với độc giả hơn. Nhưng với quyển “Hương sắc trong vườn văn”, Trần Huyền Ân không quá thích bởi cuốn sách còn hơi khô khan, nhiều tính chất giáo khoa quá, nhưng lại dễ nhớ, đem đi thi thì sẽ dễ đậu. Những tác phẩm dịch của Nguyễn Hiến Lê cũng nhẹ nhàng, trong sáng, không như các loại văn khác. 

Lê Ký Thương từng là một học sinh dốt văn nhưng lại có ước mơ trở thành nhà văn. Cuốn đầu tiên của Nguyễn Hiến Lê mà Lê Ký Thương may mắn đọc được là cuốn Luyện Văn. Cuốn sách có tất cả 16 chương, trong đó có 6 chương viết về “đức”. Đó đều là những chương gây ấn tượng sâu đậm cho Lê Ký Thương. Nguyễn Hiến Lê chẳng sợ gây mất lòng ai, kể cả những bậc thiên tài như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi khi phân tích ông cũng chỉ ra những chỗ chưa hay, không hợp lý trong thơ văn của họ. Những điều mà Lê Ký Thương không được dạy trong sách giáo khoa khiến Lê Ký Thương như được mở mang đầu óc: dù thiên tài cũng không tuyệt đối hoàn hảo. Lê Ký Thương bắt đầu nghe theo lời khuyên của Nguyễn Hiến Lê, tập tính nhận xét và suy nghĩ độc lập. 

Trong sự nghiệp nghiên cứu và sáng tác của Nguyễn Hiến Lê, ông đã để lại 4 tác phẩm nói riêng về nghề viết văn: Luyện văn I, II, III; Nghề viết văn; Hương sắc trong vườn văn; Đời viết văn của tôi. Nguyễn Ngọc Điệp nhận xét cuốn Nghề viết văn xem như là một tập tiểu luận đưa ra những ý kiến trao đổi về mục đích sáng tác và lòng yêu văn học nghệ thuật của Nguyễn Hiến Lê, đồng thời cũng là một cuốn cẩm nang tổng quát nhằm hướng dẫn viết văn cho những người muốn bước vào lĩnh vực này. Đến cuốn Đời viết văn của tôi, Nguyễn Hiến Lê đã có cái nhìn tổng quát về cuộc đời viết văn của mình, có điều kiện tổng kết có hệ thống và phong phú kinh nghiệm của bản thân. Cuốn sách đã giúp độc giả hiểu hơn về cuộc đời của nhà văn, chứa đựng những suy tư, tình cảm, kinh nghiệm của một nhà văn đáng kính. Còn cuốn Hương sắc trong vườn văn, người đọc cũng dễ dàng nhận ra sự uyên bác về văn học và ngôn ngữ Đông Tây, năng lực cảm thụ sắc sảo, khả năng tổng hợp cao độ trong xử lý các nguồn tư liệu khác xa nhau về quan niệm. Dù cuốn sách đã ra đời được 40 năm nhưng Hương sắc trong vườn văn vẫn đọng lại nỗi niềm da diết của Nguyễn Hiến Lê: có tri thức về cái đẹp, hiểu biết về những vẻ đẹp văn chương, thưởng thức văn chương bằng một tâm hồn rộng mở. Đáng chú ý nhất là tuyển tập Luyện Văn. Những lập luận vững vàng, thuyết phục về nghề viết văn đã giúp độc giả có cái nhìn khách quan, khoa học và tự tin bước chân vào lĩnh vực đó. Người đọc như nhận được sự động viên, nhắc nhở của tác giả trước khó khăn, vất vả. 

Ở Nguyễn Hiến Lê có một sự nhất quán đẹp đẽ, trước sau như một, đều hết sức coi trọng nét đẹp lao động nghệ thuật của nhà văn. Nguyễn Hiến Lê còn là một người tiên tiến, sớm nhận ra được tầm quan trọng của việc tự học và gọi nó là nhu cầu của thời đại. Trần Văn Chánh và Dũ Lan Lê Anh Dũng đã nhận xét về cuốn sách đã chứng minh cho người đọc thấy tự học là một nhu cầu tự nhiên, cần thiết, rất bổ ích và nên đọc. Trong vòng gần 50 năm cũng mới có một cuốn sách viết về vấn đề coi trọng tự học ở Việt Nam.

Văn Phố đã từng nhận định rằng thời kì văn học hiện tại chịu một thiệt thòi lớn, không có những nhà phê bình chuyên nghiệp, chưa có ai tổng kết, chưa có ai đánh giá. Một trong những ví dụ điển hình chịu thiệt thòi là nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Sự nghiệp viết văn, dịch thuật sở hữu lượng tác phẩm đồ sộ, để lại nhiều giá trị cho nền văn học nước nhà nhưng khi nhắc đến về tiểu thuyết, người ta nhớ ngay đến Nhất Linh, Khải Hưng, nói đến thi ca nhớ đến Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, nói đến tùy bút thì có Nguyễn Tuân, sức dịch thuật nhớ đến Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký. Trong khi về số lượng hay chất lượng, Nguyễn Hiến Lê không hề kém cạnh thậm chí một số lĩnh vực còn vượt qua những tên tuổi đó. 

 

Là một học giả có đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, dưới mỗi con chữ sáng tạo của Nguyễn Hiến Lê là biết bao nỗi niềm, tâm tư, tình cảm, những kiến thức muốn truyền lại cho thế hệ sau. Chỉ trong gần 40 năm cầm bút, ông đã để lại cho đời 120 tác phẩm có giá trị, dù đã ra đời qua hàng chục năm nhưng những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê vẫn để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng độc giả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *