Người học giả lỗi lạc Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984) trong mắt của những người cùng thời và hậu thế thường được ngưỡng mộ là một học giả có sự nghiệp viết văn đáng nể về đủ mọi phương diện khảo cứu, biên soạn, dịch thuật với khoảng 120 tác phẩm để đời đậm chất riêng, đem lại nhiều giá trị. Văn phong của Nguyễn Hiến Lê giản dị, dễ hiểu , gần gũi với độc giả, phong cách làm việc của cụ khoa học, cách trình bày vấn đề mạch lạc, dễ hiểu, rõ ràng, dễ đi vào lòng người khiến ai cũng cảm phục. Không chỉ là một học giả mẫu mực được ngưỡng mộ, Nguyễn Hiến Lê còn được yêu mến bởi nhân cách, lối sống của ông – một tấm gương làm việc kiên trì, nhẫn nại, cùng nhiều đức tính đáng quý khác.
Một con người – một nhân cách
Con người Nguyễn Hiến Lê là một học giả mẫu mực. Bản thân ông luôn khiêm tốn, giản dị, làm việc nhiều hưởng thụ ít, không thích ồn ào nhưng cũng là một người giàu tình cảm, luôn viết từ tận sâu trong tâm hồn. Ông dành cả đời để tự học, trau dồi kiến thức, nâng cao học vấn và cống hiến cho nền văn học nước nhà. Nguyễn Hiến Lê đã để lại một kho tàng quý báu kiến thức cho hậu thế. Không chỉ có công lớn trong sự nghiệp giáo dục thanh thiếu niên, Nguyễn Hiến Lê còn viết và dịch nhiều thể loại về quản trị, kinh tế, chính trị, sách học làm người, ngữ học, văn học và lịch sử thế giới, tiểu truyện danh nhân, du ký, hồi ký, bình văn điểm sách…
Người tri thức chân chính Nguyễn Hiến Lê
Trong cuốn Hồi ký, Nguyễn Hiến Lê quan niệm: “… tôi nghĩ rằng văn thơ cũng như nhạc, dịch một bài văn, một bài thơ, cũng như diễn một bản nhạc, cũng là làm công việc sáng tạo mặc dầu dịch rất sát không thêm bớt. Dịch giả – nếu có tài – cũng là một nghệ sĩ, và mỗi bản dịch cũng là một nghệ phẩm. Không một bản dịch nào đúng hẳn với nguyên tác, bản dịch nào cũng mang ít nhiều cá tính, tài năng của người dịch, tinh thần của ngôn ngữ người dịch, cũng để lộ tâm tư của người dịch, cái không khí của thời đại người dịch”. Là một dịch giả, Nguyễn Hiến Lê yêu mến và am hiểu sâu về tiếng Việt, cho ông nói cả một ngày trời về tiếng Việt cũng không dứt, ông luôn trân trọng, chăm chút, giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt. Ông còn giỏi nhiều thứ tiếng khác như Hán, Pháp, Anh.
Trong lời mở đầu của tác phẩm “Đời viết văn của tôi” Nguyễn Hiến Lê viết: “Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời. Tôi VIẾT ĐỂ HỌC và HỌC ĐỂ VIẾT.” Đối với Nguyễn Hiến Lê, ngoài việc miệt mài học để viết và viết không mệt mỏi để học thì độc giả là quan trọng, ông không quan tâm đến uy quyền hay danh vọng. Nhận được rất nhiều giải thưởng, nhiều cơ hội làm giám khảo trong các cuộc thi nhưng ông liên tục từ chối. Ông muốn luôn là một nhà giáo dục, một nhà văn hóa độc lập, thanh cao, tự trọng. Ông từng bộc bạch trong cuốn Hồi ký: “Soạn sách, tôi chỉ nhắm mục đích: tự học và giúp người khác tự học. Tôi nghĩ đến cái lợi của độc giả trước hết, chẳng hề tự cho mình có “sứ mạng” gì cả, mà cũng không hề mong được nổi tiếng (…) Có thích vấn đề nào thì tôi mới viết. Thấy vui trong khi viết, bấy nhiêu đủ cho tôi rồi”.
Luôn đọc sách và viết say mê, thời gian rảnh ông vẫn tranh thủ học thêm nhiều thứ tiếng. Hồi còn nhỏ, Nguyễn Hiến Lê được cha dạy trong khoảng 1 năm. Sau đó, mẹ ông quyết định đưa ông về quê nội ở Hương Khê học chữ Hán với bác Hai. Cuối đời sau khi ông đã cho ra đời khoảng 20 công trình biên khảo giá trị viết riêng về mảng triết học, văn học, lịch sử của Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê không thể quên công ơn của người mẹ quê mùa mù chữ của mình: “Ngay năm đầu tôi học trường Bưởi, mẹ tôi đã có một quyết định, khiến đời tôi sau này theo một hướng mà chính người và các bác tôi không ai có thể ngờ được. Ngày nay càng nghĩ tôi lại càng thấy cái công lớn của người và càng không hiểu đã có gì xui khiến cho người nảy ra quyết định đó”.
Là một con người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng sau năm 22 tuổi, Nguyễn Hiến Lê đã chuyển vào Nam sống cho đến cuối đời. Năm 1937, sau khi về Sài Gòn làm việc. Vì Nguyễn Hiến Lê không biết nhậu nhẹt, lại ghét đánh bài, cũng không thích đánh cờ, ông có học đàn được vài tháng thì lại nghỉ chơi, cũng không ưa tụ tập tán gẫu với bạn bè nên mỗi cuối tuần hay buổi tối rảnh ông đều ngồi vào bàn tự học và đọc sách. Khi đọc sách ông luôn cầm theo bút chì để đánh dấu những chỗ hay, dở, tóm tắt lại các ý quan trọng.
Nguyễn Hiến Lê luôn canh cánh về nền giáo dục Việt Nam. Ông có đóng góp rất lớn trong sự nghiệp giáo dục thanh thiếu niên. Ông đã viết hàng loạt những cuốn sách nuôi dạy con, gửi gắm những triết lý cho thanh thiếu niên, dẫn đường cho học sinh sinh viên. Nhiều người đã nhận định rằng nhờ Nguyễn Hiến Lê mà họ đã đỡ bỡ ngỡ, lúng túng khi bước vào đời, nắm vững phương pháp làm việc, học tập và xây dựng được quan điểm về cuộc sống.
Trong nhiều tư cách thì Nguyễn Hiến Lê với tư cách nhà văn, nhà nghiên cứu văn học là nổi trội hơn cả, chỉ tính riêng di sản văn chương của ông thôi cũng đủ sức khiến nhiều thế hệ sau khám phá, tìm tòi, nghiên cứu. Những tác phẩm văn chương của ông mang đến một kho tài liệu vô giá, chính xác, có giá trị tổng hợp cao, những tác phẩm về giáo dục làm người, văn học cổ…giúp mọi người cảm nhận, hiểu rõ bản thân, thành thật với chính mình, hiểu biết và quan tâm đến những người xung quanh để nhìn ra, khơi gợi những tiềm năng ẩn khuất nơi họ và giúp họ phát triển lên một tầm cao mới. Với khả năng tổng hợp cao độ trong xử lý nguồn tư liệu rất khác xa nhau về quan niệm, quan điểm, Nguyễn Hiến Lê đã mang đến những trang viết sâu sắc về ý tưởng, phong phú, chắt lọc trong dẫn chứng khiến người đọc dễ hiểu, dễ thấm nhuần, cùng cảm được cái đẹp với nhà văn lúc nào không hay. Trong lĩnh vực triết sử học, với lối viết gần gũi dễ hiểu, sử dụng dẫn chứng thuyết phục, lối phân tích khoa học giúp độc giả rất dễ tiếp cận, trở nên tò mò, thích thú với triết học và sử học sau khi đọc sách của Nguyễn Hiến Lê.
Cuộc đời cầm bút của Nguyễn Hiến Lê trong sáng như một viên ngọc không chút tì vết, ông chọn cho mình một con đường tu thân, tu đức, trau dồi học vấn không ngừng. Vượt qua bệnh tật, ông vẫn miệt mài đem tri thức, học vấn, tâm huyết của mình để viết lách, truyền kiến thức cho hậu thế.
Trái tim người thầy Nguyễn Hiến Lê
Nguyễn Hiến Lê không chỉ là một học giả lỗi lạc, ông còn là một trí thức yêu quê hương đất nước, một người thầy tận tụy, giàu tình cảm. Ông thường về thăm Long Xuyên – quê hương thứ hai của ông. Dù ông có điều kiện để đi xa, ở với vợ con ở Pháp nhưng ông lại chọn ở lại quê nhà, chết tại quê nhà. Người ta chỉ chú ý đến những cống hiến của Nguyễn Hiến Lê trong nền văn học, ít ra nhắc đến khía cạnh yêu nước thương dân chân thành của ông. Ông luôn đứng về phía những người dân lao động khổ sở – cuộc sống ấu thơ mà ông đã trải qua và mạnh dạn phê phán, bày tỏ sự phẫn nộ với những thói tệ hại của nhà cầm quyền.
Nguyễn Hiến Lê còn là một người thầy yêu thương học trò. Mặc dù vì lời mời của một người bạn ông mới nhận đi dạy sau đó ông đã từ chối hết để dành toàn thời gian cho việc tự học, dịch thuật, biên khảo,.. Người thầy luôn được mến mộ, luôn có cách riêng để quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho học trò. Những người học trò hay những người vinh dự được gặp gỡ, quen biết cũng đều có những kỉ niệm tốt đẹp khó quên về Nguyễn Hiến Lê.
Dương Hội viết về Nguyễn Hiến Lê với một niềm kính mến và biết ơn, bồi hồi kể lại những kỉ niệm với người thầy của mình. Anh là một chú bé còm cõi, luôn bị chê học dốt, nhờ đọc cuốn Kim chỉ nam của học sinh mà tiến bộ hơn, tập được những thói quen tốt. Anh mến mộ tìm đọc các sách thầy viết, càng đọc càng thích những loại sách “học làm người” của thầy. Sau khi đỗ tú tài nhưng bị bệnh nặng không đi học được, anh viết thư cho người thầy của mình và nhận được thư hồi âm thầy viết cảm động: “Khi em muốn học thì thiếu gì cách. Không đến trường học, thì học hàm thụ. Khá văn, em nên theo ban C và chỉ học môn triết, còn sinh ngữ, nếu cần, tôi sẽ chỉ em cách tự học lấy. Tôi cũng bận, nhưng giúp những trò có chí, thì tôi sẵn lòng…” Từ đó, anh được thầy kèm cặp, gửi những tài liệu để học. Thư thầy viết cho anh thường dài, ngoài sách vở thì kể những câu chuyện đời thường dí dỏm, vui vui nhưng thắm đượm tình người, gợi nhiều cảm xúc. Khi gặp lại người học trò, thầy ôm chầm lấy, mừng rỡ như cha mừng con đi xa mới về. Anh viết: “Trong 30 năm cầm bút, thầy dành nguồn cảm hứng sung mãn nhất cho những ai cơ cực, bần hàn. Chính từ nguồn cảm hứng nhân đạo này mà tôi cũng như nhiều bạn trẻ cơ nhỡ khác được thầy thương yêu, dìu dắt giúp đỡ để nên người. Công ơn ấy, tôi không bao giờ quên được”.
Dũ Lan Lê Anh Dũng từng viết về tấm lòng người thầy của Nguyễn Hiến Lê. Việc dù nhỏ nhưng thầy luôn ân cần, chu đáo. Những bức thư thầy viết cho thường ngắn gọn nhưng khi giải đáp vấn đề về học thuật thì thầy không tiếc công ngồi viết tỉ mỉ, giải thích dễ hiểu cho. Còn bà Minh Quân, biết Nguyễn Hiến Lê qua các tác phẩm từ rất sớm nhưng phải 20 năm sau mới dám làm quen, một phần vì nghe nói ông khó tính, không hay tiếp ai, một phần do không có ai giới thiệu. Mãi đến khi bà viết thư ngỏ lời muốn đến thăm. Ông trả lời lại ngay: “Thì giờ của tôi không quý hơn kẻ khác đâu, đừng ngại. Mời bà đến chơi, tôi đợi”. Bà đến ngay và nói đủ chuyện hơn một tiếng rưỡi mới đứng lên, sau đó về nhà viết thư vì sơ ý mà làm mất quá nhiều thì giờ của ông. Ông lại trả lời: “Không đâu, hôm đó tôi rất vui, chắc bà cũng nhận thấy chứ? Tuy mới gặp bà lần đầu nhưng tôi đã biết bà lâu rồi…”. Bà thường đưa thơ, truyện, bản dịch đến nhờ ông đọc và cho ý kiến, bất cứ vấn đề gì ông cũng đều cho biết đầy đủ, chu đáo. Dù Nguyễn Hiến Lê xem bà là chỗ tương tri, là một trong những người hiểu ông nhất, nhưng bà luôn coi ông là một người thầy, không hề dè dặt kể mọi chuyện và chưa bao giờ hối hận khi nghe lời ông. Ông sống thanh bạch, giản dị vô cùng, nhu cầu bản thân ít mà lại cống hiến quá nhiều. Làm sao người ta có thể dễ dàng quên được một người như vậy.
Nguyễn Hiến Lê thật sự là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo bởi đức tính kiên trì nhẫn nại quý báu, dành cả đời để trau dồi học vấn, cống hiến cho đời mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Một con người như vậy luôn đáng được nể phục, coi trọng và ghi nhớ mãi về sau.